Thỉnh thoảng trong cuộc sống tha hương, có những lúc rãnh rổi, ngồi nhẩm tính, thì quay đi ngoảnh lại kể từ ngày rời trường cũ đến nay, thế mà cũng đã hơn ba mươi bảy năm rồi, nhưng những ngày xưa của một thời Phan Châu Trinh tưởng chừng như mới đâu đây…

Nhớ buổi đầu tiên tung tăng bước chân vào trường, cho tới ngày từ giả, cái nao nức hồi hộp của buổi mai hôm ấy một buổi mai đầy sương thu có thể giảm dần sau mỗi niên khoá cùng với tuổi lớn. Tuy nhiên, năm học nào cũng để lại trong hồn tôi như một dấu tích êm đềm của những ngày tháng khó quên nhất. Mỗi năm có những kỷ niệm, những cái vui riêng, để nhớ mãi về trường, cũng như về mỗi Thầy, mỗi Cô.

Ôn lại những ngày hồn nhiên của năm đệ thất là nghĩ ngay tới những giờ Vẽ của Thầy Phạm Hữu Khánh. Dáng người cao, gương mặt luôn luôn hồng hào cùng với bộ râu và mái tóc trắng trông Thầy đẹp hiền hoà như một ông già Noel ! Giờ của Thầy rất thoải mái, đám học trò nhỏ được phép nói chuyện đôi tí trong khi vẽ, nên thỉnh thoảng Thầy phải nhắc nhở ỒN ! Mỗi lần như vậy thì tụi con nít lau nhau đó, im lặng được vài phút, rồi tiếng rào rào như ve kêu trong mùa hạ lại tiếp tục!
Khi lên các lớp trên, vẫn còn được nghe tiếng la nhắc ỒN vô cùng quen thuộc, dễ thương của Thầy, từ một lớp đệ thất ở phòng kế cận vọng sang…
(Vài năm sau, mùa Hè 1963 thi Tú tài I, tình cờ Thầy làm giám thị hôm thi môn Pháp văn. Thầy như thể ngạc nhiên khi thấy tôi trong phòng thi! Ngày khai trường kế tiếp của năm đệ nhất, khi đi qua dãy hành lang, gặp Thầy, tôi chào và nghe tiếng Thầy nói: Chóng thật, mới ngày nào phá phách, giờ đã là ² cô tú² !)

Cô Trần thị Kim Đính dạy Vạn Vật và Lý Hoá. Giờ học với Cô bao giờ cũng rất linh động. Trong ký ức của tôi, Cô trẻ lắm, dáng thanh thanh và mái tóc ngắn úp vào làm Cô thêm xinh xắn dễ thương! Hình như Cô thoải mái khi dạy đám nhỏ đệ thất hơn dạy lớp đệ tam trường Bán Công niên khoá đó,-( thỉnh thoảng qua học nhờ phòng của Phan Châu Trinh)- có những ² ông² học trò chưa chừng lớn tuổi hơn Cô ! Một hôm vài bạn trong lớp tôi nghịch phá, Cô nói như than: Ở cạnh lớp đệ tam B bị ảnh hưởng rồi !

Năm này Thầy Nguyễn Văn Đáo dạy Việt Văn. (Thầy cũng phụ trách môn Lý Hoá ngày đệ tứ, nhưng những giờ quốc văn với Thầy năm đệ thất để lại cho tôi nhiều kỷ niệm hơn). Nhớ một chủ nhật theo mẹ đi chùa Phổ Đà, suốt buổi thơ thẩn và bay nhảy trong sân vườn Chùa, tối về mệt quá. Ngày mai lại thi Học thuộc lòng, trong số bài Thầy chỉ định, học kỹ các bài khác trừ bài Xóm Giếng của Thanh Tịnh (?) . Sáng thứ hai, Thầy gọi lên, bốc thăm đúng ngay bài học qua loa đó ! Nhớ được câu đầu: Xóm Giếng, ngõ thăm thẳm hai hàng tre xanh.. rồi đứng im! Thầy không hỏi tôi mà hỏi chị tôi:
-Thu L, ngày qua Thu H. làm chi ?
-Thưa Thầy, H. đi chùa .
Thầy nhìn tôi, nửa nghiêm nghị, nửa như cười, nói đại khái: Đi chùa thì rất tốt, nhưng phải học bài, Phật không giúp cho thuộc bài được!
Cả lớp cười rộ lên!
Ngày đó xấu hổ mãi với Thầy, với bạn.. đến kỳ đệ nhị cá nguyệt được làm sơ mi Việt văn mới tạm quên đôi tí !
Ngày đệ lục, Thầy Nguyễn Trung Hối dạy Lý Hoá, đặc biệt cho năm này vì Thầy là giáo sư Việt văn. Với Thầy, các phương trình hoá học phải được đóng khung cẩn thận và tô màu kỷ lưỡng. Khi viết sai tí gì là cũng phải xé bỏ ngay, qua một trang mới chứ không được tẩy xoá. Thầy thích học trò giữ vở thật sạch và thật đẹp đến độ có hôm Thầy giơ cao một tập và nói :
 Đây…quyển vơ, …gương mẫu,…100 trang,…xé còn 50 trang !

Những giờ Pháp văn với Cô Liễng (Bà Trần Ngọc Liễng) năm này vui biết bao! Cô cũng từng là cô giáo của mẹ tôi ngày xa xưa, nên như có một liên hệ đặc biệt khiến tôi cảm thấy gần gụi với Cô hơn. Đôi lúc Cô gọi tôi con gái của N. thay vì tên tôi, rồi Cô vừa cười vừa lấy tay vỗ lên trán nhiều lần như để nhớ ra! Tuy đã đứng tuổi nhưng Cô vẫn nhanh nhẹn, vui chẳng khác gì chim khuyên. Mấy phút cuối của giờ học, Cô thường tập cho chúng tôi vài bài hát Pháp dành cho con nít. Giờ này nhắm mắt lại, thả hồn về ngày xưa, tôi như còn được nghe văng vẳng bên tai tiếng hát của một đám trẻ thơ là các bạn và tôi, ngày đó:
…On entend sous la feuillée
les oiseaux siffler
et l’abeille réveilée,
lèves-toi soleil !…

Lên đệ ngũ, Thầy Trần Đình Hoàn dạy Công Dân và cũng là giáo sư hướng dẫn . Thầy có nhiều sáng kiến nên bích báo năm ấy của lớp đẹp và bài vở phong phú.
Thầy Hoàn cũng có một hình phạt đặc biệt cho những trò để quên vở, không may tôi ở trong số đó ! Một lần Thầy gọi lên trả bài, dù bài thuộc vẫn bị Thầy phạt viết 500 lần câu Đi học tôi sẽ không bao giờ để vở ở nhà, đánh số đàng hoàng từ 1 đến 500. Nhằm tuần thi lục cá nguyệt, quên bẳng vụ chép phạt ! Mãi khi coi thời khoá biểu thấy ngày mai có giờ của Thầy, tối hôm đó phải thức khuya viết đủ số câu, để nộp phạt cho đúng kỳ hạn , sợ Thầy tăng hình phạt lên gấp đôi (như vài bạn trong lớp đã từng chịu) thì khốn !

Năm này, Cô Ngô thị Như Hà dạy Việt văn. Để thực hành bài học về luật bằng, trắc cùng các thể thơ lục bát và song thất lục bát v..v..Cô bắt học trò làm thơ.Một khám phá thích thú, vài thi sĩ mầm non với những câu thơ được Cô chọn đọc cho cả lớp nghe .Có điều ngạc nhiên là Nguyễn thị Bích L. nổi tiếng trước đó với đôi bài thơ dí dỏm, (tiêu biểu là bài Vịnh Oxy mất chìa khoá đã được thích thú chuyền tay nhau xem từ bàn đầu tới bàn cuối, chỉ trừ Ngô thị Kim O., đang bực dọc lại bị phá,nhất định không thèm coi !) không có thơ được đọc lên . Hình như Bích L. chỉ có cảm xúc để xuất khẩu thành thơ trào phúng mà thôi!

Năm đệ tứ, chúng tôi có những giờ Việt văn khó quên với Thầy Trần Ngọc Quế .Ôi! những bài giảng văn về Tú Xương, hoặc những bài bình giảng Kiều của Thầy hay làm sao… Cả lớp chăm chú để nghe, có khi quên bẳng cả ghi chép mà cũng vẫn thấm vào đầu để ngày thi Trung học, môn quốc văn, gặp đề luận Tú Xương như được gặp tủ ! Thầy đặt tên cho những bài đó là ² bài dọn² . Chỉ mỗi một câu của Chu Mạnh Trinh (trong bài cảm đề Kiều ?) : cánh hoa rụng chọn gì đất sạch mà nghe Thầy giảng, bọn tôi ghi hàng trang, hàng trang…Thầy dạy hay mà còn rất có óc khôi hài nên không khí trong lớp học khi nào cũng nhẹ nhàng vui. Những giờ Việt văn năm ấy như qua nhanh hơn… Nguyễn thị A.tìm được một hột đu đủ tía , trông giống như cái đầu người có miệng móm , bỏ vào hộp viết Pilot, vẽ thêm một bộ xương. Thầy đi qua bàn nhìn thấy,cầm lên ngắm nghía, rồi lẳng lặng tịch thu ! Ngày còn nhỏ hồn nhiên , đôi khi chẳng có chuyện gì đáng cười lắm mà chúng tôi, ở tuổi vô tư, vẫn thấy vui ,và thêm trong lớp cái cười hình như dễ lan ! Một hôm Nguyễn thị Lạc G. bị gọi lên trả bài nhằm lúc cả bọn đang rúc rích. Thầy cho một phút để cười cho xong. Lạc G. cố gắng làm nghiêm , nhưng hễ cứ nhìn xuống bạn bè thì lại rũ rượi. Phút gia hạn đã qua, Thầy đành cho trò về chỗ ngồi, rồi vừa gật gù ngâm câu : Nụ cười… đáng giá… nghìn vàng vừa ghi ² 01² vào sổ điểm!
Lần khác, Nguyễn thị Th. lên đọc bài, ngang đoạn có hai câu:
² …Trải vách quế gió vàng hiu hắt,
Mãnh vũ y lạnh ngắt như đồng² …
Thầy bắt Th. ngưng lại, và nhìn bọn tôi hỏi:² Có thấy tội nghiệp không ? Đem trải nơi vách thì còn chi cái thân nữa !²

Năm này Thầy Lý Châu là giáo sư hướng dẫn và dạy Sử Địa. Vốn không thích môn học này cho lắm , nhưng những giờ Sử của Thầy Lý Châu đối với tôi là một ngoại lệ thích thú.Nghe Thầy giảng bài như thể được đi ngược với giòng thời gian về sống với một giai đoạn nổi trôi nhất của đất nước.Ngày 15,16 tuổi, cảm động biết bao khi tưởng tượng ra cảnh cô Nguyễn thị Giang can đảm đứng nhìn người yêu, Nguyễn Thái Học, cùng các liệt sĩ khác, với khí phách hào hùng, trước khi lên máy chém, vẫn bình tĩnh hô to hai chữ Việt Nam ! Còn nhớ mãi giọng trầm trầm của Thầy khi kết luận bài giảng Sử ngày đó:² Phải chăng cái nhìn của cô đã bắt gặp ánh mắt của một người?²

Chương trình Việt văn năm đệ tam gồm phần Cổ văn thật khô khan với những bài thơ khẩu khí( rất khó cảm ) của vua Lê Thánh Tôn đáng lẽ nản lắm nếu không nhờ có Thầy Lâm Sĩ Hồng dạy.Ý nghĩ đệ tam làthời gian thong dong ² nghỉ khoẻ² , trước những mùa Thi của mấy năm học kế tiếp, đành tạm gát với những bài trần thuyết Thầy Lâm Sĩ Hồng chỉ định mỗi tuần cho từng nhóm.

Đầu niên khoá 1962-1963, năm đệ nhị, một sự thay đổi và mất mát lớn đối với trường: Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc thuyên chuyển đi nơi khác.Còn nhớ một lần dạy thế ở lớp tôi hai giờ Việt văn,Thầy giảng bài ² Thề Non Nước² của Tản Đà :
² Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non…²
Buổi dạy ngắn ngủi nhưng Thầy đã để lại một ấn tượng đẹp.Và cũng như cả trường, tôi đón nhận tin Thầy đổi đi xa với niềm luyến tiếc.

Năm đệ nhị này Thầy Trần Đại Tăng dạy Toán . Thầy giảng bài, giải toán tự nhiên, giọng nói thong thả, hiền hoà như kể chuyện , như con người của Thầy. Suốt năm , Thầy khi nào cũng điềm đạm và công bằng với tất cả.Ngày ấy, sổ điểm mỗi người một tờ. Ngồi vào bàn lật sổ, đúng tên ai Thầy gọi người đó , tuyệt nhiên không có chuyện gặp học trò đi phố là hôm sau bắt lên để ² quay² ! Sau mấy chục năm gắn bó với trường ,Thầy có lẽ là người giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò của trường Phan Châu Trinh hơn bất cứ giáo sư nào khác :
…² Ta đến khi tóc xanh,
Ta về khi tóc bạc²…
…² Ta đến hồn như trăng
Ta về lòng như suối² …

Cùng niên khoá này, chúng tôi được tác giả ² Khúc Tình ca Xứ Huế² dạy Việt văn.Giờ học đầu tiên đã nhiều hứa hẹn khi Thầy Trần Đình Quân đọc cho cả lớp nghe bài thơ ² Màu tím hoa sim ² của Hữu Loan. Về sau học trò không ngạc nhiên khi biết Thầy còn là một nhạc sĩ, tác giả của những khúc tình ca nổi tiếng khác.
Ngày vừa qua, tôi nhận được thư của một người bạn học cũ, nhắc đến Thầy và bản nhạc ² Anh cho em mùa Xuân² màThầy có lần hát cho chúng tôi nghe. Bức thư gợi nhớ lại một ngày vui năm xưa, trong không khí lạnh ngây ngây vào những ngày trước Tết, cái nao nức chờ đón năm mới của ngày còn nhỏ như rộn ràng thêm khi nhìn Thầy vừa đàn vừa hát…
Thật buồn biết tin Thầy bị bịnh Alzheimer, ở vào tuổi mới nửa đời, và chắc chắn nguồn sáng tác còn đầy ắp trong hồn…Có phải đó là sự ² đố kỵ của con tạo² ?

Thầy Đặng Xuân Nhi, phụ trách Sử Địa.Với Thầy, quan trọng của những biến cố lịch sử là ở sự chính xác của thời gian, không những năm tháng mà còn cả ngày nữa. Khi trả bài , cho dù các câu trả lời khác đúng mà chỉ một câu sai về ngày tháng là cũng dễ làm Thầy bực mình ngay và cho điểm một cách không thương xót ! Những câu hỏi Địa lý thì còn được phép nghĩ một vài giây trước khi trả lời, còn những câu hỏi về Sử, liên quan ngày, tháng, năm là phải đáp ngay tức thì.Lưỡng lự trả lời chậm cũng xem như không thuộc bài. Vì theo Thầy,năm tháng thì nhớ hoặc không, chẳng có gì mà phải ² suy nghĩ² cả! Ngày đó Thầy được tặng hỗn danh ² Ô Mã Nhi². Rồi một hôm, khi đi qua hành lang nghe tiếng ² Ô Mã Nhi ! Ô Mã Nhi !² , Thầy- như thể phản xạ- chụp vội ngay một nam sinh đứng gần giáng một bợp tai, rồi bình thản bỏ đi, để lại đàng sau đám học trò sửng sốt, vừa sợ vừa thương người bạn , có thể nói hiền lành nhất trong lớp, chịu ² oan Thị Kính², trong khi chính phạm cao bay xa chạy !

Thầy Ngô Hữu Ngọc dạy Lý Hoá, khá nghiêm, ít khi cười. Ngày gần Tết năm đó,Thầy cho cả lớp được nghỉ một giờ để vui chơi Tất niên .Và Thầy đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này đến một ngạc nhiên thích thú khác khi lấy ra bản nhạc ² Phiên gác đêm xuân² và hát cho học trò nghe.Giọng hát của Thầy ấm và hay. Thật vui khi chúng tôi khám phá ra, hôm đó, sau vẻ nghiêm trang trong những giờ dạy, Thầy là người cởi mở và rất yêu nhạc, đặc biệt các sáng tác của Nguyễn văn Đông.

Lên đệ nhất , Việt văn được thay bằng những giờ Triết, một môn học như mới lạ đối với chúng tôi.Thích nhất là giờ ² Tâm lý học² , nghe Cô Phan Thanh Gia Lai giảng bài ² Đam mê² ! Khá tiếc sau đó, Cô không dạy các lớp ban A nữa và chỉ phụ trách môn Triết ở ban C và B mà thôi.

Thầy Đặng Như Đức, dạy Sử Địa ngày đệ nhất, có dáng dấp của một thư sinh.Thầy được học trò kính mến vì năng khiếu dạy cũng như vì tư cách, dù Thầy là giáo sư trẻ nhất .Nghe hình như khi tốt nghiệp đại học Sư phạm Thầy mới tuổi đôi mươi (?) , và năm dạy chúng tôi chỉ là năm thứ hai của Thầy. Không biết nay Thầy còn thích hát bài ² Hoa soan bên thềm cũ² nhiều như ngày xưa ?

Phụ trách môn Anh văn năm này là Thầy Trần Xuân Giảng. Tuy không ² giಠlắm nhưng Thầy thường xưng ² Bố² và gọi học trò là ² các con² , một cách tự nhiên vàrất chi thân mật . Những giờ Anh văn khá vui ,còn nhớ ² Bố² có giọng đọc như Mỹ !

Một trong những hình ảnh khó quên của trường là Thầy Nguyễn Bá Việt. Thầy tận tuỵ trong giờ dạy và luôn vui vẻ. Gặp Thầy trong lớp, trên trường ,ngoài phố hay nhiều năm sau ở Sài Gòn, khi nào cũng thấy Thầy tươi cười . Với bản tánh vui tự nhiên , có lẽ Thầy sẽ ² trẻ mãi không giಠnhư nhận xét của bạn Vương Ngọc H.

Thầy Lê Quang Mai được nhắc đến nhiều nhất ngày đó vì cái đề thi Lý Hoá đặc biệt của Thầy, ² con lắc trong xe Opel² mà đối tượng là Hoàng Bích Q., vừa từ Trưng Vương Sài Gòn ra.Cho đến bây giờ, buổi họp mặt nào có Bích Q. là bạn bè lại vui cười nhắc đến thầy Mai cùng cái đề thi có một không hai đó.

Một giáo sư gần gủi với học trò là Thầy Nguyễn Thanh Trầm, dạy Vạn Vật và cũng là Giáo sư hướng dẫn hai năm liên tiếp, (niên khoá 1962-63 và 1963-64). Nhắc đến Thầy là nhớ bài viết của Thầy trong tờ Nội San của đệ nhị A, cũng như nhớ mãi một lần đau phải nghỉ học gần ba tuần lễ, Thầy cùng với mấy bạn trong lớp: Vương Ngọc Hà, Nguyễn Quang Trung, Vũ văn Long.. đến thăm ở nhà thương.

Bảy năm nơi trường cũ tuy xa xưa nhưng sao vẫn còn đậm nét trong trí nhớ.Những buổi sáng vào lớp, những giờ ra chơi hay những lúc tan trường theo tiếng trống mấy năm đầu , đến vài năm sau,theo tiếng kẻng báo hiệu của ông Cai và rồi theo tiếng chuông…, còn ngỡ như ² mới đó² …
Thời gian trôi nhanh thật ! Đôi lúc tôi tự hỏi có phải vì những ngày ở Phan Châu Trinh vô cùng êm ả hay vì quảng đời hồn nhiên âý đã qua đi , không còn trở lại với chúng ta thêm một lần nữa nên càng thấy đẹp hơn và vui hơn ? Có lẽ cả hai …

Phan Thị Thu Hà